ICTnews - Tiếp mạch thị trường ảm đạm từ năm 2013, các hệ thống siêu thị điện máy sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2014...
Theo đánh giá của đại diện một số siêu thị điện máy, năm 2013 vừa đi qua tiếp tục là một năm khó khăn chồng chất của các hệ thống. Ngay cả trong quý 4 cuối năm - thời điểm có sức mua tăng mạnh nhất cho tất cả các nhóm ngành hàng điện máy do các dự án chung cư được bàn giao nhiều hơn, mùa mua sắm cuối năm, Noel, Tết Dương lịch đến gần… thì không ít hệ thống vẫn “kêu trời” khi sức mua chưa có nhiều cải thiện, dù nhiều mặt hàng được khuyến mãi, giảm giá mạnh tay tới 30 - 50%.
Các siêu thị điện máy ngoài cạnh tranh về giá còn đẩy mạnh chăm sóc khách hàng để tạo lợi thế.
|
Ông Đinh Anh Huân - Tổng Giám đốc Dienmay.com nhận định, xét trên mặt bằng chung, 2013 là năm thị trường điện máy hầu như không tăng trưởng, các nhà bán lẻ cạnh tranh nhau rất khốc liệt, thị trường ảm đạm (chỉ có một số mặt hàng tăng trưởng nhẹ như smartphone tăng 30%, máy tính bảng tăng gấp khoảng 3 lần năm 2012). Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Marketing Media Mart cho rằng thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, đang có hiện tượng cung vượt cầu, diễn ra sự cạnh tranh gay gắt.
Bị tác động bởi yếu tố sức mua sụt giảm mạnh do người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”, năm qua, giữa lúc nhiều nhà bán lẻ đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, một số tiếp tục mở rộng điểm bán để bứt phá thì thị trường cũng phải chứng kiến có doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản rời cuộc chơi, hoặc “khai tử” bớt điểm bán trong hệ thống.
Theo thông tin do Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) vừa công bố giữa tháng 12/2013, dự báo năm 2014 nhiều khả năng kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục nhưng vẫn khó đạt mức cao.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Anh Huân cho rằng, kinh tế khó khăn chung nên số đông người tiêu dùng cũng rất tiết kiệm trong mua sắm, nên sức tiêu thụ khó được tốt. Với thực tế phát triển như hiện nay, thì sang năm 2014 theo tình hình chung cũng khó có gì khả quan, sự phát triển của thị trường điện máy vẫn gặp nhiều thách thức.
Trong khi thị trường trong nước vẫn còn rất tiềm năng, thông tin từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, tại thời điểm hiện nay chưa có nhà bán lẻ nào trong nước chiếm quá 10% thị phần điện máy. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của các nhà bán lẻ điện máy từ năm 2014 chính là sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần tới từ cả 2 phía: các nhà bán lẻ nội địa và từ hội nhập kinh tế quốc tế. Từ tháng 1/2015, tức là cách thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 1 năm, theo cam kết gia nhập WTO, thị trường Việt Nam có thể sẽ có thêm sự hiện diện của các nhà bán lẻ nước ngoài. Như vậy khi đó, cuộc cạnh tranh thị phần sẽ khốc liệt hơn đến từ những đối thủ nước ngoài vốn lớn với bề dày kinh nghiệm.
Trước thực tế nói trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể phát triển bên vững và cạnh tranh hiệu quả, thì ngay từ bây giờ các hệ thống siêu thị cần có lộ trình phát triển mạnh “nội lực”, giải pháp ổn định tài chính trong dài hạn, củng cố và phát triển mạnh hơn lợi thế mua hàng từ mô hình chuỗi, quản trị tốt khách hàng… Và quan trọng hơn cả, các hệ thống cần có được đội ngũ nhân sự dày kinh nghiệm về vận hành hệ thống phân phối bán lẻ điện máy hiện đại, thấu hiểu thị trường địa phương.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 1+2 ra ngày 1/1/2014
Theo Ictnews
Comments