ICTnews - Giá trị đồng Yên Nhật Bản (JPY) so với đồng Đô la Mỹ (USD) giảm tới hơn 20% khiến doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm cho đối tác Nhật phải đối mặt hiện trạng giảm doanh thu.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, đồng Yên của Nhật Bản là một trong 2 đồng tiền giảm giá mạnh nhất so với USD trong năm 2013 (cùng với đồng Euro). Chỉ trong vài tháng qua, ước tính giá trị đồng Yên đã giảm tới 20% so với USD do các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản "bơm" tiền để hạ giá đồng Yên hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản.
Tỷ lệ nghịch với giá trị đem lại cho doanh nghiệp Nhật, việc giảm giá đồng Yên khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam đang thực hiện các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm cho khách hàng, đối tác Nhật Bản phải đối mặt với câu chuyện giảm doanh thu. Càng là "ông lớn" sở hữu những hợp đồng khủng thì nguy cơ mất tiền càng nhiều. Chẳng hạn, 20% của một hợp đồng trị giá 5.000 USD chẳng thấm tháp gì so với 20% của một hợp đồng trị giá 1 triệu USD. Sự suy giảm tỷ giá là một rủi ro kinh doanh thuộc loại khó đoán và khó tránh. Vấn đề này được xếp vào nhóm thông tin nhạy cảm nên phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam đều không mặn mà chia sẻ thông tin với báo giới.
Trong năm 2013, đồng Yên cùng đồng Euro giảm giá mạnh nhất so với đồng Đô la. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Trao đổi với ICTnews, ông Lê Quang Lương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm Luvina thẳng thắn cho biết Luvina cũng bị giảm doanh thu VND tương đương với mức độ giảm giá của đồng Yên.
Bàn về giải pháp đối phó với sự suy giảm doanh thu khi đồng Yên giảm giá, ông Lê Quang Lương phân tích: "Doanh nghiệp nhỏ thường không có những khách hàng, kế hoạch kinh doanh ổn định lâu dài nên chỉ cần tăng giá 20% trong các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm là xong. Còn với những doanh nghiệp như Luvina thì không đơn giản như vậy, khi đã có nhiều khách hàng hợp tác kinh doanh trong suốt nhiều năm thì giải pháp chỉ có thể là kiên nhẫn, tiết kiệm chi phí và từng bước đề xuất tăng giá dần dần lên mức 20% để tồn tại được".
Một tin không mấy vui vẻ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm là dự đoán năm 2014, giá trị đồng Yên chưa thể tăng trở lại, có thể vẫn mất giá ở mức 115 JPY/USD vào cuối năm 2014.
Nếu có thể thỏa thuận dùng đồng USD để chi trả cho các hợp đồng gia công xuất khẩu phần mềm thay cho đồng Yên thì câu chuyện giảm giá đồng Yên sẽ không gây đau đầu cho doanh nghiệp Việt. Song thực tế, phần lớn doanh nghiệp, đối tác đều không thích dùng đồng USD mà thường yêu cầu dùng đồng Yên để giao dịch hợp đồng.
Nguồn tin của ICTnews cho hay giải pháp khả thi nhất hiện nay là áp dụng kinh nghiệm của Công ty TMA: trong hợp đồng với các đối tác Nhật Bản vẫn ghi giá trị hợp đồng bằng đồng Yên nhưng kèm theo thỏa thuận 6 tháng 1 lần có thể xem xét sự chênh lệch tỷ giá giữa JPY/USD rồi chia trung bình cho 6 tháng. Điều này đồng nghĩa giá trị hợp đồng có thể thay đổi, lúc tăng lúc giảm, lúc lợi cho phía Nhật lúc lại lợi cho phía Việt Nam, chung quy sẽ có sự chia sẻ rủi ro cho cả 2 bên.
Giải pháp này được TMA áp dụng một thời gian nhưng chưa phổ biến rộng rãi, một phần bởi dường như vẫn chưa có sự liên kết hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam, đặc biệt vẫn có sự "độc lập tác chiến" của doanh nghiệp ở hai miền Nam - Bắc.
Ngày 13/6/2013, tỷ giá được công bố ở mức 93,79 JPY/USD, đến 2/7/2013 đạt mức 70,736 JPY/USD nhưng đến 24/12/2013, giá trị đồng Yên đã giảm mạnh với mức tỷ giá công bố là 104,2 Yên đổi được 1 USD và ngày 31/12/2013 vẫn ở mức 105 Yên/1 USD. Ngày 21/1/2014, tỷ giá giao dịch được công bố ở mức 104,65 JPY/USD.
Theo Ictnews
Comments