Một cuộc khảo sát gần đây của RightScale cho thấy, điện toán đám mây đang là công nghệ được quân tâm nhiều nhất, và đặc biệt là các công nghệ đám mây nguồn mở.
Theo khảo sát của RightScale, có gần 50% các doanh nghiệp đã chuyển ít nhất một dịch vụ của họ sang nền tảng điện toán đám mây. Cuộc khảo sát được tiến hành với sự tham gia của 625 chuyên gia công nghệ thông tin, kết quả khảo sát được RightScale công bố trong báo cáo "RightScale State of the Cloud 2013".
Điện toán đám mây là tương lai của Công nghệ thông tin
Theo báo cáo này, 26% doanh nghiệp đã sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, 23% đã có một dịch vụ hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây. 26% doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên, 17% đang xem xét việc sử dụng nền tảng điện toán đám mây. Và chỉ có 8% doanh nghiệp chưa có ý định chuyển sang nền tảng mới này.
Đây không chỉ là hành động chạy theo xu hướng của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của RightScale, 77% các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây cho biết các dịch vụ hoạt động nhanh hơn so với những cụm máy chủ trước đây. 73% cho biết điện toán đám mây đáp ứng được nhu cầu mở rộng quy mô hệ thống của họ.
RightScale cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp lưu trữ lai, bằng cách kết hợp nhiều nền tảng điện toán đám mây chia sẻ (public cloud) và điện toán đám mây cá nhân (private cloud). 29% cho biết họ sẽ sử dụng nền tảng điện toán đám mây chia sẻ, đồng thời xây dựng nền tảng điện toán đám mây cá nhân trên những cụm máy chủ sẵn có của mình. 15% doanh nghiệp cho biết họ sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách sử dụng nhiều dịch vụ điện toán đám mây chia sẻ khác nhau, cho dù những nền tảng điện toán đám mây như Amazon Web Service (AWS) cam kết đảm bảo an toàn cho dịch vụ của họ.
Khách hàng lựa chọn dịch vụ đám mây nào? Nếu là các dịch vụ đám mây chia sẻ, thì AWS vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp cũng bắt đầu chú ý tới các dịch vụ khác như Rackspace, OpenStack, Google Compute Engine (GCE) và Windows Azure với tổng cộng hơn 20% thị phần. Tổng thị phần của các dịch vụ này vẫn ít hơn 20% so với AWS.
RightScale cho rằng "Trong một môi trường cạnh tranh như vậy, khách hàng có thể trông đợi một cuộc cạnh tranh của các nhà cung cấp về giá cả, tính năng và chất lượng dịch vụ". Điều này hoàn toàn đúng, vì chỉ cách đây vài ngày Amazon đã hạ giá dịch vụ máy chủ ảo chuyên dụng của mình. Rackspace đã phản ứng bằng việc giảm giá dịch vụ và dịch vụ hỗ trợ của mình. Nhưng điều đáng lo ngại cho các đối thủ cạnh tranh của Amazon là công ty này đủ khả năng để chấp nhận chịu lỗ với AWS và có thể sẽ tiếp tục giảm giá thấp hơn nữa. Nếu khách hàng quan tâm tới giá, thì AWS là dịch vụ cạnh tranh nhất. Nếu họ quan tâm tới tính năng và chất lượng dịch vụ thì cũng ít có nhà cung cấp nào có dịch vụ tốt hơn AWS.
Đối với thị trường điện toán đám mây cá nhân, thì AWS có ít khả năng cạnh tranh hơn. Openstack đang dẫn đầu phân khúc thị trường này. Sau đó là CloudStack và Eucalyptus, rồi mới tới AWS.
RightScale cũng lưu ý tới một ngoại lệ, đó là Azure, vì nó là dịch vụ dám mây lớn duy nhất không phải là một công nghệ mã nguồn mở. Trong khi các dịch vụ khác như RackSpace, CloudStack và Eucalyptus đều là dịch vụ nguồn mở hoàn toàn, AWS và Google Compute Engine là các dịch vụ nguồn mở một phần vì chúng chạy trên nền tảng Linux.
Các công nghệ truyền thống phải dần thay đổi cho phù hợp với thời kì mới, vì điện toán đám mây thực sự là tương lai của Công nghệ thông tin.
The ZDNet
Comments