Skip to main content

Nhiều thuê bao ADSL không biết gì về bảo mật modem

Đăng ký ADSL cho văn phòng của mình đã được một năm, nhưng kiến trúc sư Vũ Anh Quân (HN) chưa từng nghe nhà cung cấp đả động đến vấn đề bảo mật modem. Trên hợp đồng thuê bao cũng không có khuyến cáo về vấn đề này.
Mới đây, khi Trung tâm an ninh mạng BKIS thông tin rằng hacker có thể kiểm soát modem ADSL và có tới
14% trong số 10.000 khách hàng của VDC, Viettel và FPT Telecom trong diện khảo sát của BKIS đang trong tình trạng nguy hiểm, thì người ta mới giật mình.
"Trước tới giờ, tôi không hề quan tâm đến vấn đề này vì có thấy nhà cung cấp dịch vụ khuyến cáo bao giờ đâu. Việc này đối với doanh nghiệp sẽ là vấn đề lớn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh", anh Nguyễn Anh Quân cho biết. "Tôi nghĩ, nếu có hậu quả xấu xảy ra thì có nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ đã thiếu trách nhiệm với các thuê bao của mình".
Anh Quân quyết định sẽ đổi mật khẩu modem ADSL tại cả nhà riêng và văn phòng nhưng cũng chưa biết phải làm thế nào.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo của Công ty Viettel thừa nhận nguy cơ mà BKIS đề cập là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, ông cũng không phân tích thêm được tình hình. "Thông tin về quy trình lắp đặt, hướng dẫn khách hàng cũng như con số thuê bao của Viettel hiện trong tình trạng có nguy cơ bị tấn công kiểu này thì phải chờ chúng tôi nghiên cứu và thống kê lại", vị lãnh đạo này nói.
Một đại diện của Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC cũng khẳng định khả năng tin tặc có thể kiểm soát modem ADSL là có thật nhưng lỗi ở phía người sử dụng không đổi password mặc định được in phổ biến trong tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm khi mua modem. "Theo đánh giá chủ quan của tôi, nguy cơ này không thực sự nghiêm trọng như mọi người nghĩ vì việc chiếm quyền điều khiển, xâm nhập, lấy cắp thông tin trên máy tính của nạn nhân đa số được thực hiện bằng phát tán virus, phần mềm gián điệp bởi nó dễ thực hiện, mức độ lây lan cao, không mất thời gian, khó dò tìm địa chỉ tấn công, có thể tự động làm vào bất kỳ thời điểm nào", người của VDC phân tích.
Phía VDC cũng lập luận rằng theo thống kê của BKIS, mức độ lây nhiễm các phần mềm virus, spyware là rất cao và phổ biến trong cộng đồng người sử dụng Internet bằng nhiều con đường. Có tới 3,37 triệu PC nhiễm virus, 424 nghìn chiếc có spyware thì con số 14% của khoảng 10.000 thuê bao ADSL không thực sự gây được ấn tượng. Hơn nữa, việc chiếm quyền điều khiển, thay đổi thiết lập trên modem ADSL để xâm nhập máy tính nạn nhân tuy có thể làm tự động nhưng mỗi loại modem khác nhau thì cách thực thực hiện lại khác nhau, rất mất thời gian. So sánh với việc phát tán virus, phần mềm gián điệp thì cách làm này không hề hiệu quả.
"Tóm lại, cả hai phương thức trên đều liên quan đến một vấn đề lớn là người dùng không chăm chút cho chính cái máy tính của mình, để lộ sơ hở tạo điều kiện cho bên ngoài thâm nhập", chuyên gia VDC nhận định. "Nếu PC có đầy đủ phần mềm tường lửa cá nhân, antivirus, thường xuyên cập nhật bản vá an ninh thì sẽ không có cơ hội cho bên ngoài xâm nhập kể cả cắm thẳng trực tiếp vào Internet mà không có thiết bị trung gian nào".
Công ty VDC khẳng định khách hàng của họ luôn được hướng dẫn trực tiếp và đề nghị thay đổi hai loại mật khẩu ngay sau khi thực hiện cài đặt là password truy cập mạng (được cung cấp bởi ISP) và password quản trị modem ADSL. Khách hàng của doanh nghiệp này cũng được đề nghị định kỳ thay đổi các loại mật khẩu trên. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, họ có thể không nhớ cả hai loại.
Theo ông Hà Huy Hùng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng Công ty FPT Telecom, thực tế cho thấy khách hàng sử dụng dịch vụ ADSL không phải ai cũng thông thạo về kỹ thuật. Họ thường xuyên truy cập Internet để lấy thông tin nhưng rất hiếm khi truy nhập vào thiết bị modem ADSL để chỉnh sửa thông tin về cấu hình của thiết bị.
"Vấn đề là sau một thời gian ngắn tự chuyển đổi, hầu như các thuê bao không thể nhớ được username và password của modem. Điều đó gây cản trở rất lớn cho nhà cung cấp dịch vụ trong quá trình hỗ trợ sau này", ông Hùng cho biết. "Bất kỳ một khách hàng mới nào được triển khai hoặc được nhân viên của chúng tôi trực tiếp hỗ trợ thì đều tắt (disable) tính năng cho phép truy cập từ xa (remote access)".
Theo phân tích, làm như vậy có nghĩa là modem sẽ từ chối tính năng truy nhập từ xa mặc dù hacker có thể dò biết được username/password của thiết bị và sẽ không thể nắm quyền điều khiển, thay đổi các thông số cấu hình của thiết bị được.
"Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, có thể một số thuê bao phải tiến hành thiết lập lại (reset) modem để khắc phục lỗi và sau đó tính năng truy nhập từ xa lại được bật lên (enable) theo mặc định vốn có. Đó là chưa kể, một số khách hàng sử dụng modem sẵn có của mình khi đăng ký dịch vụ với nhà cung cấp. Mà thiết bị này lại cho phép truy nhập từ xa thì hacker có thể tấn công", ông Hùng nói.
Trung tâm BKIS cho biết, các nhà sản xuất modem thường đặt một mật khẩu chung cho tất cả thiết bị nên đương nhiên nó được công bố rộng rãi trong khi không phải thuê bao ADSL nào cũng biết đổi lại mật khẩu. Vấn đề là các nhà cung cấp dịch vụ phải có những khuyến cáo cần thiết vì sự an toàn cho khách hàng của mình.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, người sử dụng có thể kiểm tra tình trạng máy tính có bị kiểm soát hay không bằng các biện pháp kỹ thuật. Nếu có sự thâm nhập vào PC và xuất hiện phần mềm kiểm soát để tiếp tục tấn công, đánh cắp dữ liệu trong những lần sau thì có thể dùng phần mềm diệt virus phát hiện. Ngoài ra, nếu máy tính có những biểu hiện lạ thì cũng có thể đặt nghi ngờ và nên tìm sự trợ giúp của cơ quan điều tra để kiểm tra.


Theo Vnexpress.net

Comments

Popular posts from this blog

Demo sử dụng Veeam để backup / restore / replicate máy ảo

Veeam Backup & Replication là 1 giải pháp mạnh cho việc backup, khôi phục và đảm bảo an toàn dữ liệu hạ tầng ảo đáp ứng hoàn toàn các nhu cầu từ bất kỳ độ lớn hay phức tạp của môi trường ảo hóa Vmware và hiện nay là hỗ trợ cả Hyper-V. Một số quan tâm chính mà giải pháp này mang lại: Hỗ trợ môi trường ảo hóa ESX/ESXi Vmware và Microsoft Hyper-V Tăng cường với kiến trúc backup phân tán cho các môi trường lớn và phúc tạp Ngoài giải pháp backup còn đi kèm theo trong bộ sản phẩm tập trung này là Replication. Hỗ trợ khôi phục nhanh hệ thống trực tiếp (start máy ảo trực tiếp) từ các tập tin backup đã được nén và dedup mà không cần restore các tập tin máy ảo ra hệ thống lưu trữ. Đa dạng hóa các phương thức restore từ một bản backup: restore máy ảo, tập tin máy ảo, tập tin bên trong OS của máy ảo hoặc dữ liệu của một ứng dụng đặc thù như AD, Exchange… Hỗ trợ incremental backup (Forward Incremental và Reversed Incremental Backup ) Tăng cường khả năng lưu trữ với tính năng compress v

Phần mềm sao lưu SQL Server tự động tốt nhất

Sau bao nhiêu năm làm việc với SQL Server, mình phát hiện thấy có nhiều trường hợp SQL Server bị lỗi phần tự động sao lưu dẫn đến không thể sao lưu hoặc các bản SQL Express không có phần tự động sao lưu gây khó khăn cho người quản trị database. Nhằm đáp ứng nhu cầu đó nên mình đã viết ra phần mềm SaigonIT SQL Server Backup and Shrink Log . Chương trình đặc biệt hữu ích cho khách hàng sử dụng các bản SQL Server Express. Tính năng chính: Hoạt động theo cơ chế service, không cần login vào hệ điều hành hệ thống vẫn chạy được. Đáp ứng tốt cho các máy chạy Windows Server. Hỗ trợ sao lưu cho các server chạy SQL Server 2000 trở lên. Tự động nén dữ liệu sao lưu thành file zip để tiết kiệm không gian đĩa. Cho phép đặt mật khẩu file sao lưu. Tính năng thu nhỏ file log. Đặt lịch sao lưu theo các ngày trong tuần vào một giờ quy định. Gửi email đến quản trị thông báo mỗi khi sao lưu thành công. Hỗ trợ tốt tài khoản email của Gmail. Cho phép thiết lập chỉ lưu số lượng nhất định bản

Hướng dẫn cài đặt FreeNAS làm shared storage

Có một loạt các lựa chọn hệ điều hành có sẵn để thiết lập NAS của riêng bạn. Nhưng chúng ta sẽ giữ cho mọi thứ đơn giản và thực hiện với FreeNAS. FreeNAS là hệ điều hành thu gọn của FreeBSD nên tương thích phần cứng phụ thuộc vào FreeBSD mà freeBSD cũng tương đối kén phần cứng. Nói chung nên tránh các hệ thống quá cũ. Các bạn có thể tham khảo khả năng tương thích ở đây: http://www.freebsd.org/releases/8.3R/hardware.html FreeNAS hỗ trợ tất cả các giao thức chia sẻ phổ biến. Với các máy tính Windows, nó hỗ trợ Common Internet File System (CIFS), cũng được biết đến dưới tên SMB hoặc samba. Với những người dùng Mac, nó hỗ trợ Apple Filing Protocol (AFP). Bên cạnh đó cũng hỗ trợ Network File System (NFS) cho các máy tính kiểu dáng Unix đó. Khi thiết lập các đĩa, bạn có thể kích hoạt sự mã hóa. FreeNAS cũng cung cấp sự truy cập thông qua File Transfer Protocol (FTP), thậm chí còn có thể thiết lập cho các kết nối gửi đến từ Internet. Thực hiện điều đó bằng cách nhập một cổng chuyển t